Tiểu đường P1 - 2 điều quan trọng nhất
Xin chào các bạn của Caulidle,
Vì có rất nhiều bạn quan tâm đến vấn đề về bệnh tiểu đường, tiền tiểu đường & kháng insulin nên mình sẽ xây dựng chuỗi bài cho phần này.
Trước khi bắt đầu vào bài thì các bạn hãy nên đọc bài Kháng Insulin để biết được những dấu hiệu cảnh báo của cơ thể và kháng insulin có thể gây ra những tác hại khôn lường như thế nào, hơn cả chuyện béo hay thừa cân.
Bài 1 này, mình sẽ tập trung về 2 điều quan trọng nhất cần tập trung giải quyết nếu bạn hoặc người thân bị tiểu đường tuýp II hoặc tiền tiểu đường. Đương nhiên sẽ có rất nhiều thứ khác bạn cần thay đổi hoặc bổ sung nữa nhưng mình sẽ đề cập đến trong những bài tiếp theo.
Câu hỏi đầu tiên: TIỂU ĐƯỜNG TUÝP 2 LÀ GÌ?
Đơn giản và ngắn gọn. Đó là vấn đề với hormone insulin mà chính xác hơn là quá nhiều insulin. Tuýp 1 là không đủ insulin, tuýp 2 là quá thừa insulin - hãy nhớ kĩ.
Insulin là gì?
Insulin là hormone do tuyến tụy sản xuất để điều phối carbohydrates. Carbohydrates - carb (hay ĐƯỜNG) là 1 trong 3 nhóm chất đa lượng (ngoài protein - đạm và fat - chất béo) mà cơ thể nạp vào từ các loại thức ăn. CARB là gì? Ăn bao nhiêu?
Quá nhiều insulin, vậy cái gì kích thích insulin?
Trong rất nhiều thứ có thể kích thích insulin thì có 2 thủ phạm lớn nhất, thứ nhất đó là ăn ĐƯỜNG và thứ hai, ăn thường xuyên. Nhưng trong 2 thủ phạm này: đường và ăn thường xuyên, bạn nghĩ cái nào quan trọng hơn để cần tập trung điều chỉnh? Đó chính là ĂN THƯỜNG XUYÊN.
Nếu bạn chỉ cần tập trung thay đổi việc nạp thức ăn thường xuyên này bằng cách ăn ít liên tục hơn, ví dụ như ăn chỉ 2 bữa mỗi ngày, có người còn ăn 1 bữa mỗi ngày (OMAD) hoặc thậm chỉ 3 bữa nhưng KHÔNG ĂN VẶT giữa các bữa thì bạn sẽ thấy sự thay đổi lớn hơn rất nhiều so với việc cắt toàn bộ carb ra khỏi chế độ ăn mà ăn liên tục suốt ngày. Vậy nhé, điều số 1 phải làm là ngừng ăn nhiều bữa, ngừng ăn vặt rồi sau đó là đến cắt bỏ carb. Đương nhiên nếu gộp cả 2 cách này với nhau thì sẽ nhân sức mạnh lên khủng khiếp.
Vấn đề là nhiều người không nhận thức được ĐƯỜNG là gì, cho rằng nó chỉ là đường kính thôi. Không! Đường ở đây là chỉ mọi thứ đồ ăn vào người mà chuyển thành "đường" (glucose) rất nhanh như bánh mì, cơm, ngũ cốc, bánh quy, bánh ngọt, pizza, mì ý, hoa quả, bỏng ngô, khoai tây chiên...Những thứ này có mặt ở khắp mọi nơi, chả đâu là không có, hài nhỉ? Trước đây đi chợ mua thức ăn, giờ thì vào siêu thị. Nhưng siêu thị, khu thịt cá, rau thì nhỏ mà khu bánh kẹo, nước giải khát thì bạt ngàn. Hãng dãy hàng dãy nước giải khát, nước ép, bánh trái các kiểu...eo ôi, giờ biết rồi mình thấy sợ cái ngành công nghiệp thực phẩm quá các bạn ạ.
Chỉ có cách là hãy trang bị cho mình kiến thức để nhận biết được thực phẩm nào là ĐƯỜNG, thực phẩm nào có chỉ số Glycemic index cao và bắt đầu bằng cách cắt giảm những thứ đó đến mức an toàn cho cơ thể. Ăn ít carb như thế nào?
Tiếp theo, làm sao để chỉ ăn 2-3 lần mỗi ngày nhiều khi cũng rất khó. Tất cả những lời khuyên kiểu: "chia nhỏ bữa ăn", "ăn 5-6 bữa mỗi ngày", "ăn vặt những đồ healthy"....vân vân và vân vân là điều tồi tệ nhất bạn có thể làm trong tình trạng sức khỏe của mình.
Mỗi lần ăn, dù là ăn gì thì bạn cũng đều đẩy insulin lên. Insulin vào máu để hạ đường trong máu xuống, bỏ lại bạn với cảm giác "đói". Một vòng luẩn quẩn ăn rồi lại phải ăn. Thế nên điều cần làm là hãy từ từ đưa cơ thể vào cách ăn này - nhịn ăn gián đoạn IF chứ không phải nghe vậy, mai nhịn bữa sáng luôn. Vừa không bền, vừa shock cho cơ thể và thật sự rất khó để duy trì. Cách nào để chuyển cơ thể tự nhiên ăn được 2 bữa mỗi ngày mà không đói không mệt? Xem tại Cách thực hiện IF
Cám ơn các bạn đã đọc bài. Hãy ủng hộ Caulidle bằng cách share bài viết đến những người bạn quan tâm nếu thấy hữu ích.
xoxo
S&B
Comments