Tại sao ăn ít calories không giảm cân còn nguy hiểm?

Trả lời cho câu hỏi tại sao ăn ít calories không giảm được cân và hơn thế nữa, lại cực kỳ nguy hại cho cơ thể.

Đây sẽ là bài viết khá dài và khô khan nhưng mình sẽ cố gắng lấy nhiều ví dụ để các bạn cùng đọc và nghiên cứu nhé. 

Cấu trúc bài viết sẽ gồm những phần sau:

1. Cơ sở lý thuyết của những người ủng hộ ăn ít calories để giảm cân
2. 2 lỗi sai căn bản của lý thuyết đó

- Nguyên nhân gây béo
- Cơ chế tích mỡ

***Bài viết sử dụng tư liệu theo bài giảng và sách của Dr. Jason Fung MD (Canada).  
Trước khi đọc bài, đây là một số khái niệm bạn cần biết:

1. Metabolism - hệ trao đổi chất hoặc trao đổi chất, đôi khi có ý chỉ Tốc độ trao đổi chất (MR) - tốc độ hoặc mức độ cơ thể xử lý thức ăn và biến thức ăn đó thành năng lượng và mô sống. Ngoài ra MR - trao đổi chất còn có một nghĩa phụ nữa, là việc giải phóng năng lượng từ tế bào mỡ (đốt mỡ). Và trao đổi chất của cơ thể được điều tiết bởi hormone.
2. Calories: là đơn vị đo năng lượng từ thức ăn. Trong đó 1g carb = 4 kcal, 1g protein = 4 kcal, 1g fat = 9 kcal.
3. Hãy nhớ rằng, để tìm ra cách giảm mỡ, giảm béo; ta phải hiểu đúng và xác định đúng nguyên nhân gây ra béo và đây là bước đầu tiên cho hành trình giảm béo. Nếu bước này sai, chắc chắn mọi thứ ta làm sau đó sẽ là sai.

PHẦN 1 -  CƠ SỞ LÝ THUYẾT CỦA NGƯỜI ỦNG HỘ ĂN ÍT CALORIES ĐỂ GIẢM CÂN

Định luật đầu tiên của Nhiệt động lực học - hay còn gọi là định luật bảo toàn năng lượng. Năng lượng của 1 hệ kín là không đổi, mọi thứ diễn ra chỉ là chuyển từ thể này sang thể khác.

Áp vào cơ thể, họ suy ra chỉ có năng lượng ra (calories out), năng lượng vào (calories in). Phần chênh chắc chắn nằm trong cơ thể và thành mỡ. Và từ đó họ nói nguyên nhân của béo là ăn vào nhiều hơn đốt đi.

Có 2 lỗi sai căn bản của lý thuyết này mà chúng ta sẽ tìm hiểu ở dưới. Nhưng trước hết, chúng ta biết rằng, lý thuyết này hoàn toàn không hiệu quả và điều đó được chứng minh bởi không chỉ 1 mà rất rất nhiều nghiên cứu. Tỉ lệ thất bại của việc ăn kiêng dựa trên cơ sở Calories Restriction (hạn chế calories) là 99%.

PHẦN 2 - 2 LỖI SAI CĂN BẢN

LỖI 1 - Nhầm lẫn giữa nguyên nhân gần và nguyên nhân gốc


  • Nguyên nhân gần: nguyên nhân gần nhất với vấn đề trong chuỗi sự kiện.
  • Nguyên nhân gốc: nguyên nhân gốc rễ, nguồn cội gây ra toàn bộ chuỗi sự kiện.


Chỉ khi xử lý nguyên nhân gốc mới giải quyết được vấn đề và giải pháp hữu ích. Ngược lại, nếu chỉ chăm chăm tập trung giải quyết nguyên nhân gần thì quả là vô ích. Hãy xem một số ví dụ dưới đây để hiểu rõ hơn. 

Ví dụ 1: Khi nói đến chứng nghiện rượu, nguyên nhân gần ta hiểu là do uống quá nhiều rượu. "Rượu vào nhiều hơn rượu ra". Vậy chúng ta thử nghĩ xem, khuyên người nghiện rượu uống ít rượu đi có giải quyết được vấn đề gì không? Đó là giải pháp vô ích. Đương nhiên khi biết nguyên nhân gốc, nguyên nhân thực sự thì việc tìm giải pháp lại dễ dàng và hữu ích hơn nhiều. 



Ví dụ 2: Nói đến việc máy bay rơi thì đúng, rơi là do trọng lực lớn hơn lực nâng nên rơi nhưng đấy là nguyên nhân gần và chẳng ai thấy máy bay rơi lại rút ra bài học là làm cánh máy bay to lên cả. Phải không các bạn? Nguyên nhân thật sự của máy bay rơi là do thời tiết, do lỗi vận hành, do lỗi cơ khí...thế nên để máy bay không rơi, phải xử lý những nguyên nhân này. Phải đào tạo kĩ hơn phi công, điều hành bay, phải dự báo thời tiết, phải bảo trì máy bay thường xuyên...



Khi đọc những ví dụ này, chúng ta thấy nếu đi giải quyết nguyên nhân gần thì đúng thật là ngớ ngẩn. Thế nhưng chúng ta có nhận ra rằng, đấy chính là việc mà chúng ta làm và được khuyên làm khi cần giảm béo?

Nguyên nhân gần của béo đúng là quá nhiều calories nhưng chúng ta KHÔNG mất công giải quyết nguyên nhân đó làm gì mà phải giải quyết nguyên nhân gốc của việc béo, đó là QUÁ NHIỀU INSULIN. -> Khi hiểu được điều này rồi, ta tìm giải pháp để ...HẠ INSULIN xuống. 

LỖI 2 - HIỂU SAI CƠ CHẾ TÍCH MỠ

Nên hiểu rằng cách cơ thể chúng ta sử dụng năng lượng không giống một cái bể nước - nước ra, nước vào mà là một hệ thống 2 ngăn. 

Điều gì xảy ra khi chúng ta ăn?

Khi ăn thức ăn vào cơ thể, insulin tăng lên. Nói chung thì hầu hết thức ăn đều là hỗn hợp của 3 loại chất đa lượng: fat, protein và carb => tăng đường huyết => insulin xuất hiện để hạ đường huyết xuống và lấy glucose (đường) đó đi tích trữ. Insulin là hormone chỉ định việc tích mỡ, như vậy sự xuất hiện của nó đồng nghĩa với việc cơ thể không "đốt mỡ". Lúc ăn, insulin sẽ tích một ít đường ở gan (glycogen) và một phần chuyển thành mỡ dự trữ (fat). Và đây là một điều hết sức bình thường, là cơ chế hoạt động của cơ thể. 

Khi ăn nhiều carb, carb chuyển thành glycogen, ở gan hình thành nhiều chuỗi đường glucose dự trữ (glycogen) đến một mức đủ, thì gan sản xuất ra lipid và đó là mỡ dự trữ. 

Hệ thống hai ngăn là gì?

Chính là 2 ngăn chứa năng lượng dự trữ: glycogen và fat. Glycogen giống như ngăn mát tủ lạnh hoặc giống như tiền trong ví còn fat thì giống như tủ đông trữ đồ hay tiền gửi tiết kiệm. Từ đó suy ra, glycogen (tiền trong ví) thì rất dễ dùng và nhanh, tiện cho vào, lôi cái thì ra luôn. Ngược lại mỡ giống như tiền gửi tiết kiệm, cho vào cũng khó hơn mà lấy ra thì cực kỳ khó, phải ra ngân hàng, phải thủ tục. Và đương nhiên, tiêu tiền ví thì tiện hơn, cũng như lấy glycogen làm năng lượng tiện hơn lấy mỡ làm năng lượng. 
Nhưng, ví thì chỉ để được lượng tiền vừa phải, có giới hạn còn sổ tiết kiệm thì để bao nhiêu cũng được. Nếu ví nhiều tiền quá thì rõ ràng ta phải đút tiền vào ngân hàng. 




Thuyết ăn ít calories không hiệu quả vì nó cho rằng cả cơ thể ta chỉ như một cái túi to, tiền cho vào, tiền đi ra và tiền còn lại trong túi. Vậy muốn túi ít tiền (muốn giảm mỡ), chỉ cần cho ít calories vào và cho nhiều calories ra. Sai. Hàng loạt nghiên cứu đã chỉ ra, khi ta giảm lượng calories nạp vào, cơ thể sẽ giảm lượng calories nó tiêu thụ theo tỉ lệ gần như tương đương; tương tự nếu ta tăng calories nạp vào thì cơ thể cũng tăng calories tiêu thụ. 

Bằng cách nào? Bằng nhiệt. 

Chúng ta đều biết biểu hiện của đói ăn, ăn ít là người cảm thấy lạnh, lờ đờ, thiếu năng lượng, thèm ăn kinh khủng...Vì khi bạn ăn ít calo đi thì cơ thể, theo cơ chế sinh tồn của nó, sẽ bù đắp sự thiếu hụt năng lượng đó bằng cách hạ mức trao đổi chất xuống. Có thể lần đầu bạn ăn kiêng kiểu này sẽ thấy hiệu quả nhưng cứ ăn kiểu đó lần 2, lần 3 ...thì các lần sau càng ngày càng kém hiệu quả đi đến một mức là bạn không thể xuống cân được nữa vì mức trao đổi chất sàn của bạn đã hạ đến mức rất thấp. Cơ thể lúc này để sinh tồn, sẽ ra lệnh cho hormone thèm ăn (ghrelin) tăng lên và hormone no (Peptide YY) hạ xuống, bắt bạn bắt buộc phải ăn không thì phát điên mất. Mục đích tối thượng của cơ thể là sinh tồn mà. 

Không chỉ thế, tác dụng phụ của ăn thiếu hụt calories là làm hỏng tuyến giáp (thyroid) và ảnh hưởng nghiêm trọng đến hormone cũng như sinh sản của con người. Cơ thể chỉ tập trung để sinh tồn nên chức năng khác, đặc biệt duy trì nòi giống, sẽ bị hạ xuống hàng ưu tiên chót. 




Vậy muốn đốt mỡ phải làm sao?

Đơn giản. Phải làm rỗng cái ví tiền, ăn hết đồ trong ngăn mát. Hết tiền rồi thì hẳn ta phải lôi tiền tiết kiệm ra dùng, ăn hết đồ tủ lạnh thì phải lôi trong tủ đông ra dùng, nhỉ?

Giải pháp là gì?

1. Ăn KETO
2. Nhịn ngắt quãng Intermittent Fasting

Vừa ngon, vừa khỏe, tội gì hành xác! Hi vọng bài viết hữu ích với bạn và giúp bạn có niềm tin vào keto và if. Hãy chiều chuộng cơ thể đúng cách ha :)
xoxo, 
S&B





Comments

Popular posts from this blog

HOA QUẢ nào được ăn trong KETO?

Được uống những gì trong KETO & IF?

4 tuýp béo | TUÝP BUỒNG TRỨNG